7 SAI LẦM TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG KHIẾN BIẾN CHỨNG TĂNG CAO

Hiện nay, căn bệnh đái tháo đường vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm. Quá trình điều trị đái tháo đường được ví như một “cuộc chiến trường kỳ” mà trong đó, người bệnh cần nghiêm túc tuân theo đúng phác đồ điều trị đã đưa ra. Mặt khác, bệnh nhân cũng cần nhận thức và tránh những sai lầm không đáng có để bệnh không tiến triển nặng và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Người bệnh đái tháo đường là nhóm có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng gây tử vong như biến chứng não, tim mạch, thận, thần kinh, mắt, nhiễm trùng… Điều đáng nói là đa phần các biến chứng đều do người bệnh mắc phải những lỗi sai cơ bản trong quá trình điều trị, sinh hoạt và ăn uống. Bác sĩ… chỉ ra 7 lỗi sai thường gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường để người bệnh kịp thời điều chỉnh, tránh hậu quả về sau.

1. Dùng thuốc điều trị bệnh sai cách

Việc dùng thuốc đúng cách để kiểm soát đường huyết và phòng ngừa biến chứng là rất quan trọng với người bệnh tiểu đường. Thế nhưng, không ít trường hợp người bệnh mắc phải những lỗi sai trong cách sử dụng thuốc điều trị, gây ra những tác hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bỏ hẳn thuốc Tây, chuyển qua dùng thuốc nam, Đông y hoặc thực phẩm chức năng

Một sai lầm mà rất nhiều người bệnh mắc phải hiện nay là họ thường cho rằng thuốc Tây không thể điều trị bệnh tận gốc và có nhiều tác dụng phụ. Do đó, họ có xu hướng bỏ thuốc Tây, chuyển sang sử dụng các phương pháp khác như thuốc nam, Đông y, thậm chí là các phương pháp truyền miệng chưa rõ nguồn gốc. Điều này khiến bệnh tình trở nặng, gây ra các biến chứng về mắt, thận, tim mạch, biến chứng bàn chân và nhiều biến chứng khác cực kỳ nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Rất nhiều người bệnh đã bỏ thuốc Tây, chuyển sang sử dụng các viên thuốc “không tên”, được quảng cáo là “thần dược” điều trị đái tháo đường. Ban đầu, những viên thuốc này đem lại hiệu quả ngay lập tức, người bệnh cảm thấy khỏe khoắn, các triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các loại thuốc này mất dần tác dụng, ngược lại còn gây ra nhiều tác dụng phụ. Những viên thuốc như vậy nhiều lần được đem đi kiểm định thì phát hiện chúng có chứa phenformin – một loại thuốc điều trị đái tháo đường đã bị cấm lưu hành từ lâu vì nguy cơ gây toan máu do nhiễm axit lactic cao với tỷ lệ tử vong lên đến 50%, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi và suy thận.
Người bệnh trước khi áp dụng bất cứ phương pháp điều trị đái tháo đường nào cũng cần trao đổi với bác sĩ để tránh xảy ra tình trạng tương tác giữa các thành phần, làm giảm tác dụng của thuốc điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh tuyệt đối không nghe theo những lời lan truyền về phương pháp điều trị không chính thống, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

Tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc bỏ dùng thuốc

Nhiều người khi thấy đường huyết ổn định một thời gian thường có tâm lý lơ là việc uống thuốc, uống “bữa đực bữa cái” hoặc tự ý giảm liều, thậm chí bỏ dùng thuốc hoàn toàn. Điều này rất nguy hiểm, có thể khiến đường huyết trong cơ thể tăng cao, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng.
Mặt khác, lại có những người quá nôn nóng, lo lắng về đường huyết tăng cao mà tăng liều thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Tăng liều lượng thuốc có thể khiến đường huyết giảm quá nhanh gây ra hạ đường huyết, làm người bệnh ngất xỉu hoặc hôn mê. Đồng thời, điều này cũng làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.

Sử dụng mãi một đơn thuốc, không điều chỉnh để phù hợp với tình trạng hiện tại của cơ thể

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính, tiến triển theo thời gian. Trong mỗi giai đoạn, bệnh sẽ cần được điều trị bằng các loại thuốc khác nhau để tối ưu hiệu quả ngăn ngừa biến chứng. Nếu người bệnh chỉ sử dụng mãi một đơn thuốc mà không tái khám, cập nhật và phối hợp các loại thuốc cần thiết, hiệu quả điều trị và phòng ngừa sẽ bị giảm sút.
Ngoài ra, một số người bệnh hiện đang áp dụng đơn thuốc trị đái tháo đường của người quen hoặc người thân. Không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia vì mỗi người bệnh có một mục tiêu điều trị khác nhau, thể trạng, khả năng đáp ứng với thuốc điều trị, các bệnh lý đi kèm nếu có cũng khác nhau. Người bệnh cần trực tiếp thăm khám và theo dõi bệnh tình thường xuyên với bác sĩ, đồng thời tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc để có kết quả tốt nhất.

2. Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu cân đối

Nhiều người bệnh cho rằng khi bị tiểu đường thì nên kiêng hoàn toàn các thực phẩm chứa đường và tinh bột, vì khi được đưa vào cơ thể, chúng sẽ chuyển hóa thành glucose, làm tăng lượng đường trong máu, gây mất kiểm soát đường huyết.
Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Người bệnh đái tháo đường nên xây dựng và duy trì chế độ ăn cân đối, đầy đủ chất, bao gồm: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Về lượng tinh bột nên nạp vào cơ thể hàng ngày, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn mức phù hợp, tránh tiêu thụ quá mức gây tăng đường huyết.

3. Theo dõi đường huyết không đúng cách

Người bệnh đái tháo đường thường xuyên phải theo dõi đường huyết của mình bằng thiết bị đo chuyên dụng. Tuy nhiên, nhiều người mắc sai lầm là họ chỉ đo đường huyết khi đói mà không đo đường huyết sau khi ăn, hoặc ngược lại.
Trên thực tế, cả hai chỉ số đường huyết lúc đói và sau khi ăn đều có ý nghĩa quan trọng và người bệnh cần theo dõi, kiểm soát chúng. Đối với người bị tiểu đường và điều trị bằng thuốc, giá trị an toàn của các chỉ số đường huyết như sau:

  • Đường huyết ngẫu nhiên: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/l)
  • Đường huyết lúc đói: 80-130 mg/dL (tức nhỏ hơn 7 mmol/dL)
  • Chỉ số đường huyết sau ăn: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/dL)
  • Giá trị HbA1C < 7%

4. Không học cách cấp cứu hạ đường huyết

Ngoài việc phải đối diện với nỗi lo tăng đường huyết, người bệnh cũng cần chú ý đến tình trạng hạ đường huyết khi sử dụng thuốc điều trị. Trong nhiều trường hợp, việc hạ đường huyết quá mức có thể khiến người bệnh ngất xỉu, hôn mê, thậm chí tử vong.
Việc không biết cách cấp cứu trong trường hợp này có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh và người nhà cần có những kiến thức về nhận biết dấu hiệu hạ đường huyết cũng như cách cấp cứu để xử lý kịp thời trong trường hợp bệnh nhân bị hạ đường huyết.
Hạ đường huyết khi đường huyết dưới 70 mg/dL (3,9 mmol/L). Khi có triệu chứng hạ đường huyết trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần thăm khám ngay nếu bị hạ đường huyết nặng hoặc báo cho bác sĩ khi tái khám. Triệu chứng hạ đường huyết thường bao gồm hồi hộp, hoa mắt, tim đập nhanh, chóng mặt, mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân lạnh, run tay chân… tùy từng trường hợp người bệnh cần can thiệp các biện pháp sau:

  • Nếu người bệnh bị nhẹ, vẫn còn tỉnh táo, cần cho uống ngay nước đường hoặc các thức uống chứa đường. Sau một lúc có thể cho dùng thêm sữa, cháo, hoa quả, bánh kẹo…
  • Nếu người bệnh đã rơi vào trạng thái hôn mê, người nhà không nên cho ăn uống để tránh bị sặc đường hô hấp mà cần gọi ngay cho cấp cứu để được điều trị kịp thời.

5. Không luyện tập thể dục, thể thao vì lo sợ hạ đường huyết

Một số người bệnh cho rằng nên hạn chế việc luyện tập thể dục, thể thao vì có thể gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, tập luyện thường xuyên, điều độ với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga lại giúp người bệnh tiểu đường duy trì cân nặng ổn định, cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết và tăng hiệu quả sử dụng insulin của cơ thể.
Không những thế, tập thể dục còn giúp tinh thần thoải mái, cơ thể sảng khoái, dẻo dai hơn. Điều này rất hữu ích trong quá trình điều trị đái tháo đường.

6. Không tái khám bệnh

Nhiều người bệnh khi có đường huyết ổn định thường chủ quan, không tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ. Tuy nhiên, việc tái khám bệnh là cực kì cần thiết để giúp bác sĩ theo dõi diễn tiến của tiểu đường và hiệu quả điều trị của thuốc để có sự điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị tiểu đường khi dùng trong thời gian dài có thể bị giảm tác dụng theo thời gian. Nếu người bệnh không điều chỉnh đơn thuốc mới, hiệu quả điều trị sẽ không được đảm bảo. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

7. Không chú ý chăm sóc bàn chân

Biến chứng bàn chân tiểu đường rất nguy hiểm và khó điều trị. Tuy nhiên, người bệnh lại thường ít chú ý đến bộ phận này, không phát hiện các tổn thương ở bàn chân kịp thời, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng và phải đoạn chi.

Người bệnh cần chú ý chăm sóc bàn chân cẩn thận khi có cảm giác nóng rát, tê chân, có cảm giác như bị kiến đốt… Đặc biệt, trong trường hợp bàn chân xuất hiện vết loét, dù là vết loét nhỏ, bạn cũng cần liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Bệnh lý đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm và cần điều trị lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc điều trị nhằm kiểm soát chỉ số HbA1c và các chỉ số đường huyết ở mức an toàn để tránh các biến chứng.

Leave A Comment

Cart

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Create your account

0855501555
chat-active-icon